Sau khi đã hoàn tất các bước như tìm mặt bằng, thiết kế, thi công… thì lúc này bạn nên tìm hiểu, chuẩn bị thủ tục để tiến hành đăng ký kinh doanh trà sữa cho đúng quy định pháp luật.
Vậy mở quán trà sữa có cần giấy phép kinh doanh không? Chủ quán cần chuẩn bị các loại giấy tờ thủ tục nào? Hãy cùng Chukinhdoanh tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1/ Giấy phép kinh doanh là gì? Lợi ích của giấy phép kinh doanh?
Giấy phép kinh doanh là loại giấy cấp phép cho các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Khi cấp phép cho những đối tượng này, nhà nước sẽ dễ dàng quản lý việc kinh doanh và ràng buộc các nghĩa vụ về thuế. Do đó, đây là thủ tục bắt buộc phải hoàn thành để hợp pháp hóa việc kinh doanh.
Khi doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bạn sẽ được hưởng những lợi ích nhất định như sau:
- Các hoạt động của doanh nghiệp được nhà nước cho phép hoạt động và bảo vệ khi có đăng ký giấy phép kinh doanh. Đây là bước cần thiết giúp các doanh nghiệp thuận tiện cho công việc kinh doanh.
- Các hoạt động như vận tải quốc tế, mua bán xuất khẩu hàng hóa… cần xuất hóa đơn đỏ thì phải cần có giấy phép kinh doanh.
- Giấy phép kinh doanh thể hiện tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, khẳng định doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động kinh doanh tối thiểu theo quy định, khẳng định quy mô doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng cho khách hàng.
- Giấy phép kinh doanh thể hiện rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hợp pháp, doanh nghiệp sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc giao dịch, kinh doanh cũng như các hoạt động khác.
- Ngoài việc tạo lòng tin cho khách hàng từ giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp còn tạo được sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp lớn, giúp mở rộng cơ hội phát triển, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường…
- Doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh sẽ nhận được các ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước như hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, hỗ trợ và bảo vệ bằng pháp luật…
- Doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh, có nhiều thời gian trong công cuộc xây dựng và phát triển doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững vị thế trên thị trường.
2/ Vậy mở quán trà sữa có cần giấy phép kinh doanh không?
Vậy nên, để trả lời cho câu hỏi mở quán trà sữa có cần giấy phép kinh doanh thì điều này sẽ phụ thuộc vào mô hình bạn dự định kinh doanh.
Chẳng hạn như nếu bạn mở quán trà sữa take away hay kiosk, những loại hình không có địa điểm kinh doanh cố định thì bạn sẽ không cần đăng ký loại giấy phép này. Nhưng nếu bạn bán trà sữa có địa chỉ kinh doanh cụ thể, rõ ràng, thì việc đầu tiên chủ quán cần làm là xin giấy phép kinh doanh dù quy mô nhỏ hay lớn.
Đăng ký giấy phép kinh doanh được coi là chứng từ khẳng định việc kinh doanh của bạn là hợp pháp và được pháp luật công nhận, bảo vệ.
3/ Mở quán trà sữa cần giấy tờ gì?
3.1/ Giấy phép đăng ký kinh doanh
Các loại hình kinh doanh có thể chia làm 3 nhóm:
- Doanh nghiệp: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh lớn hoặc trung bình
- Hộ kinh doanh: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ
- Cá nhân kinh doanh: Loại hình này phù hợp với hoạt động kinh doanh rất nhỏ
Đối với mô hình kinh doanh quán trà sữa thì bạn nên đăng ký loại hình kinh doanh hộ cá thể, vì thủ tục đăng ký loại hình kinh doanh này sẽ đơn giản hơn so với các loại hình kinh doanh khác.
Để đăng ký giấy phép kinh doanh cho quán trà sữa thì bạn sẽ trực tiếp mang hồ sơ đến nộp tại Ủy ban nhân dân Quận / Huyện, thành phố trực thuộc trung ương thì mang lên Hội đồng Nhân Dân thành phố.
Hồ sơ bao gồm:
- Hợp đồng cho thuê nhà có công chứng
- Chứng minh nhân dân bản gốc
- Sổ hộ khẩu (có nơi bắt buộc phải có, cũng có những nơi không yêu cầu)
Tại các cơ quan sẽ có biểu mẫu sẵn bạn có thể tự điền thông tin hoặc sẽ có nhân viên hướng dẫn bạn điền. Sau khi hoàn thành thủ tục, bạn sẽ nhận được phiếu hẹn ngày lên lấy giấy phép kinh doanh.
3.2/ Giấy chứng nhận đăng ký thuế
Sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh và có phiếu hẹn, thì 1 ngày sau bạn nên chủ động đến đến Ủy ban nhân phường nơi bạn mở quán kinh doanh để trao đổi, làm quen với nhân viên cán bộ để có thể được cấp giấy phép kinh doanh sớm hơn và có giảm mức thuế xuống thấp hơn.
Bạn nên xin số điện thoại của cán bộ phường đề phòng trường hợp có người lạ mặt đến quán hoặc có những việc ồn ào ngoài tầm kiểm soát…
Đối với loại hình kinh doanh hộ cá thể bạn cần đóng 2 loại thế là Thuế môn bài (đóng 1 lần mỗi năm) và Thuế khoán (GTGT và TNCN). Phường sẽ cử cán bộ đến nơi bạn mở quán kinh doanh và tính toán doanh thu trung bình và đưa ra mức thuế bạn cần đóng, việc này thường làm theo cảm tính.
Ví dụ, quán trà sữa của bạn nằm ở vị trí đẹp, mặt đường rộng, không gian quán rộng rãi, sức chưa ~100 người thì mức thuế bạn cần đóng sẽ cao. Ngược lại, nếu quán nhỏ, nằm trong hẻm, ít người qua lại thì mức thuế sẽ thấp.
Sau đây là cách tính thuế môn bài và thuế khoán:
◾ Thuế Môn Bài:
- Doanh thu <500tr đồng thì mức thuế nội bài khoảng 1.000.000đ/năm
- Doanh thu từ 300tr – 500tr đồng thì mức thuế nội bài khoảng 500.000đ/năm
- Doanh thu từ 100tr – 300tr đồng thì mức thuế nội bài khoảng 300.000đ/năm
- Doanh thu >100tr đồng thì được miễn phí thuế TNCN, GTGT
Cán bộ sẽ dựa vào mô hình kinh doanh của bạn và dự đoán doanh thu. Ví dụ, doanh thu mỗi tháng của quán là 10 triệu (1 năm là 120 triệu). 120 triệu nằm trong khoản thứ 3 (xem trong bảng) vì vậy mức thuế môn bài bạn phải đóng là 300.000 đồng/ năm.
◾ Thuế Khoán (GTGT và TNCN)
Khoảng thuế này được tính theo doanh thu từng tháng. Sau đây Chukinhdoanh sẽ giới thiệu khung thuế áp dụng cho cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống:
- GTGT: 3%
- TNCN: 1.5%
Ví dụ: Doanh thu một tháng cửa quán trà sữa của bạn là 10 triệu, thì mức thuế bạn phải đóng được tính như sau:
- GTGT: 3% x 10.000.000 = 300.000 đồng
- TNCN: 1.5% x 10.000.000 = 150.000 đồng
Như vậy, bạn sẽ phải nộp 450.000 đồng mỗi tháng cho thuế GTGT và TNCN. Tuy nhiên, bạn có thể khéo léo trao đổi với các cán bộ thuế để có thể giảm mức thuế, bởi như Chukinhdoanh đã nói bên trên thì việc tính toán này đều tính toán dựa trên cảm tính.
Xem thêm: Top 3 dòng máy POS tính tiền hiển thị giá trên màn hình
3.3/ Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm
Bạn nên đăng ký đi học để lấy giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm sớm nhất có thể. Thủ tục đăng ký xin giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm 2 bước:
- Đầu tiên, bạn đến nộp tại Ủy ban nhân dân Quận / Huyện, thành phố trực thuộc trung ương thì mang lên Hội đồng Nhân Dân thành phố.
- Tiếp theo, chủ quán và nhân viên quán đến trung tâm Y tế nơi điền hồ sơ để khám sức khỏe và tham gia lớp đào tạo về VSATTP được tổ chức theo lịch của trung tâm.
Sau khi làm đủ 2 bước này chủ quán và nhân viên sẽ nhận được giấy chứng nhận đào tạo về VSATTP (có giá trị hiệu lực trong 2 năm). Qua 2 năm thì chỉ cần đi khám sức khỏe và xin cấp lại, không cần đăng ký học lại lớp đào tạo. Chi phí dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng cho mỗi người.
3.4/ Hợp đồng thuê nhà
Nếu bạn có mặt bằng sẵn thì điều này quá tuyệt vời, việc có sẵn mặt bằng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn. Tuy nhiên nếu không có mặt bằng sẵn bạn sẽ cần đi thuê. Chukinhdoanh có một vài lưu ý cho bạn trước khi quyết định thuê nhà.
Sau khi bạn và chủ thuê đã bàn bạc, thống nhất rõ ràng các điều khoản giữa 2 bên thì tiếp theo sẽ đến bước làm hợp đồng.
◾ Hợp đồng riêng giữa 2 bên: Vì một vài lý do nhất định mà 2 bên sẽ làm một bản hợp đồng riêng (có thể do chủ nhà muốn tránh việc nộp thuế, bởi theo quy định nếu tiền thuê nhà trên 100 triệu/ năm thì chủ cho thuê sẽ phải nộp thuế là 10% trên tổng số tiền cho thuê). Tuy nhiên thì hợp đồng này ít có giá trị pháp lý.
◾ Hợp đồng công chứng 3 bên (Công ty dịch vụ công chứng – chủ thuê – bạn): Cho dù đã có hợp đồng riêng giữa bạn và chủ cho thuê thì bạn vẫn nên yêu cầu chủ nhà làm thêm một bản hợp đồng có công chứng hợp pháp. Sau đây Chukinhdoanh sẽ nêu ra một vài lý do vì sao bạn nên có hợp đồng công chứng.
- Có hợp đồng công chứng bạn mới có thể làm các thủ tục đăng ký Giấy phép kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng điện…
- Tránh bị lừa gạt, khi đến công chứng chủ thuê sẽ bị yêu cầu cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ như quyền sử dụng đất, giấy tờ nhà, giấy CMND hoặc CCCD để bên dịch vụ công chứng rà soát trên hệ thống. Điều này giúp bạn chắc chắn rằng nhà bạn đang thuê không bị vướng bất kỳ vấn đề nào liên quan đến ngân hàng, pháp luật.
3.5/ Giấy tờ khác
Ngoài các thủ tục, giấy tờ trên bạn cũng nên hoàn tất các thủ tục khác như sau:
Giấy phép chuyển mục đích sử dụng điện nếu được yêu cầu
Đây cũng là loại giấy phép cần thiết cho quán của bạn để tránh bị ngắt điện, bởi thông thường các hộ gia đình thông thường bên điện lực chỉ dùng CB 25A – 40A để kiểm soát, nếu công suất vượt quá thì CB sẽ tự động ngắt để đảm bảo an toàn.
Nên khi kinh doanh bạn sẽ sử dụng điện nhiều hơn (bật nhiều đèn, máy lạnh, máy quạt…) nên việc thường xuyên mất điện do CB tự ngắt sẽ gây bất tiện, khách hàng không thích điều này.
Quán có diện tích 150m2, trang bị tầm 6-8 máy lạnh thông thường sẽ xin đổi CB 100A và xin đổi dây điện chịu tải lớn hơn.
Lưu ý, sẽ rất nguy hiểm nếu bạn tự ý yêu cầu thợ điện đổi CB tải cao hơn, thì việc này là sai phạm hợp đồng, có thể gây cháy nổ.
Sổ đăng ký tạm trú
Bạn nên hoàn tất thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng cho toàn bộ nhân viên dù có ở lại hay không, việc này đảm bảo an toàn cho bạn cũng như làm theo đúng pháp luật. Nếu có một nhân viên vi phạm pháp luật họ sẽ tự động xin nghỉ vì sợ bị phát hiện, bạn sẽ được bảo đảm an toàn.
Giấy chứng nhận quán đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy
Hiện nay, nguy cơ cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều vì vậy việc trang bị điều kiện phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết. Đây cũng là một loại tài liệu pháp lý quan trọng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp minh chứng đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định pháp luật.
Hợp đồng lao động của nhân viên
Hợp đồng lao động không chỉ đơn giản là thủ tục pháp lý mà còn là phương pháp để chủ quán ràng buộc nhân viên.
Để tránh mất thời gian và công sức đào tạo, tuyển dụng nhân viên bạn cần có hợp đồng rõ ràng nhằm thể hiện tính chuyên nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyền lợi và thời gian làm việc để bạn có thể tận dụng tối đa nguồn lực của nhân viên mà mình tuyển chọn, đào tạo.
Theo đúng quy định thì nhân viên làm việc trên 3 tháng thì phải có văn bản, hợp đồng lao động được ký giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Xem thêm: 20 tiêu chí lựa chọn mặt bằng quán cafe đông khách giá rẻ
4/ Thủ tục đăng ký kinh doanh chi tiết
◾ Xin giấy phép kinh doanh
Theo điều 71 – Nghị định 78/2015/NĐ-CP, trình tự thủ tục Đăng ký kinh doanh như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Cá nhân, nhóm hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh, số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có)
- Ngành, nghề kinh doanh
- Số vốn kinh doanh
- Số lao động
- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ CCCD hoặc CMND hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
- Bản sao hợp lệ Thẻ CCCD hoặc CMND hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chủ doanh nghiệp sẽ nộp lên ủy ban nhân dân quận huyện (thành phố, thị xã) nơi mở quán kinh doanh để xin giấy phép.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh
- Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này
- Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Tuy nhiên nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ mà chủ doanh nghiệp không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
◾ Xin giấy chứng nhận ATVSTP
Căn cứ theo quy định của Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm, thủ tục xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh quán trà sữa bao gồm những bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận VSATTP kinh doanh quán trà sữa
Các giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Bản thuyết minh, giới thiệu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện VSATTP theo đúng quy định
- Giấy xác nhận, giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, nhân viên kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận VSATTP tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Khi hồ sơ đã hợp lệ, cơ quan tổ chức đoàn thẩm định cơ sở. Kết quả thẩm định cơ sở ghi vào Biên bản thẩm định. Sau đó toàn bộ hồ sơ và Biên bản thẩm định sẽ được gửi cho Chi cục Trưởng hoặc Cục trưởng cấp Giấy chứng nhận VSATTP.
Đối với trường hợp thẩm định không đạt yêu cầu, biên bản thẩm định sẽ ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 3 tháng), nếu thẩm định lại nhưng kết quả vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Bước 4: Trả kết quả cho doanh nghiệp
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ hợp lệ thì Chi cục hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh.
Xem thêm: Kinh nghiệm mở quán cafe bar – mô hình kinh doanh bạc triệu
5/ Các mẫu giấy phép kinh doanh trà sữa
Giấy đăng ký hộ kinh doanh
Giấy đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận quán đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy
6/ Một số lưu ý khi xin giấy phép VSATTP cho quán trà sữa
Khi xin giấy phép Vệ sinh an toàn thực phẩm cho quán trà sữa, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Quán cần trang bị cơ sở vật chất, dụng cụ đảm bảo chất lượng, tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm
- Có khu vực bảo quản nguyên liệu, khu vực chế biến
- Có kho lưu trữ bảo quản thực phẩm bao gói sẵn
- Có đầy đủ dụng cụ pha chế, bảo quản đồ uống
- Sử dụng găng tay sạch, sử dụng một lần khi tiếp xúc thực phẩm
- Đồ uống luôn để trên bàn cao cách mặt đất ít nhất 60cm
- Trang bị đầy đủ các vật dụng chống bụi bẩn, ruồi, côn trùng gây bệnh
- Nước đá sử dụng trong ăn uống phải được sản xuất từ nguồn nước sạch
- Rác thải, chất thải nên được thu dọn, xử lý gọn gàng mỗi ngày theo đúng quy định.
Bài viết trên đã góp phần giải đáp thắc mắc mở quán trà sữa có cần giấy phép kinh doanh và toàn bộ những thủ tục pháp lý cần chuẩn bị. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn. Chukinhdoanh chúc hoạt động kinh doanh của bạn thật thành công!
Bạn đang tìm kiếm phần mềm quản lý quán trà sữa tốt nhất? Vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất!
Hoặc gọi trực tiếp đến số Hotline: 1900.3016 để được hỗ trợ nhanh nhất!